Thông điệp của các thương hiệu thường xuyên tạo ấn tượng rằng nước hoa tự nhiên là tất cả những gì cần có đối với nước hoa bền vững. Điều này được truyền tải thông qua những người hái hoa hồng vui vẻ tại nơi làm việc khi bình minh ló dạng phía chân trời. Sự tự nhiên có phải là cách tốt nhất để hướng tới một nền sản xuất có trách nhiệm hơn không? Đặc tính của cây trồng cũng như nhà sản xuất, mối liên hệ giữa các tác nhân khác nhau, giá trị tài chính mang lại cho sản phẩm, hiệu suất, quá trình chuyển đổi và quản lý chất thải là tất cả các tiêu chí được xem xét khi cố gắng xác định tác động đến môi trường và xã hội của nguyên liệu thô tự nhiên.

Độc canh và tác động đến môi trường

(*Độc canh - Monoculture: canh tác 1 loại hoa màu trên một diện tích đất đai nhất định)

Việc đo lường các tác động đến môi trường không hề dễ dàng, bởi lẽ khoảng 30% hoặc nhiều hơn các nguyên liệu thô tự nhiên tạo nên bảng thành phần nước hoa rất đa dạng. Mỗi loại hoa, rễ, quả, gỗ, nhựa và gia vị đều có những đặc điểm địa lý và thực vật học khác nhau. Bài viết này sẽ không đề cập đến các thành phần từ động vật, bởi vì hiện nay việc sử dụng chúng đã được hạn chế.

Khó khăn đầu tiên nảy sinh là ngành công nghiệp nước hoa không tồn tại mãi trong vùng an toàn, đồng thời không phải lúc nào cũng được kiểm soát trực tiếp các loại cây trồng. Các thương hiệu, nơi bán các sản phẩm, thường làm việc với các nhà hương  khi nói đến việc sáng tạo dựa trên khứu giác. Tuy nhiên, các nhà hương thường mua nguyên liệu thô tự nhiên từ các nhà sản xuất, nơi cung cấp đồng thời nguyên liệu cho ngành hương liệu và hương vị thực phẩm. Đây là trường hợp của citrus, một trong những loại tinh dầu được sản xuất rộng rãi nhất trên thế giới. Nó được sản xuất từ vỏ quả của các loại trái cây dùng trong ngành công nghiệp nước ép. Trong khi việc trồng cây ăn quả với quy mô lớn đang gây ô nhiễm, thì ngành công nghiệp nước hoa chỉ đơn giản là sử dụng các phụ phẩm của những ngành sản xuất khác.

Ngay cả khi các loài thực vật đi theo con đường trực tiếp hơn đến sản xuất, thì việc thực hiện các sáng kiến ​​đòi hỏi một tổ chức toàn cầu, chứ không phải lúc nào cũng là trách nhiệm của các nhà làm hương. Điều này áp dụng cho hoa oải hương (lavender) và lavandin (một loài cùng họ với lavender), hai loài này chiếm 49% tổng diện tích trồng cây cho ngành hương và cây thuốc của nước Pháp. Đặc biệt cảm ơn Ủy ban chuyên nghiệp về tinh dầu Pháp – Comité Interprofessionnel des Huiles Essentielles Françaises (CIHEF), một tổ chức đại diện cho toàn bộ chuỗi sản xuất, chưng cất, hợp tác và mua trực tiếp của Pháp. Đây là tổ chức được Bộ Nông nghiệp công nhận, đơn vị này có thể thực hiện các kế hoạch hành động trên quy mô quốc gia nhằm đảm bảo rằng các tác động đến môi trường là thấp nhất.

Chương trình Green & Lavender gần đây đã khởi động một nghiên cứu về toàn bộ chuỗi sản xuất, điều này rất quan trọng để chống lại các giả định sai lầm. “Trái ngược với những gì có thể thấy về những cánh đồng màu tím của Provence trải dài theo tầm mắt, có rất ít hoạt động độc canh hoa oải hương. Nếu việc này có tồn tại, thì chủ yếu cũng là hoạt động theo thực tế của đất đai, bởi vì rất khó canh tác những loài cây khác ở những khu vực này”, Pierre-Philippe Garry, giám đốc CIHEF và COO tại Bontoux, một công ty sản xuất và cung cấp các nguyên liệu tự nhiên giải thích.

Charlotte Bringer-Guerin, quan chức phụ trách vấn đề về môi trường và quản lý của CIHEF, cho biết thêm: “Đây là một loại cây trồng ưa thích sự đa dạng sinh học: thu hút nhiều côn trùng nhằm khuyến khích thụ phấn và cũng được sử dụng để làm mật ong hoa oải hương, chiếm 10% sản lượng mật ong của Pháp”. Phần lớn sản lượng hoa oải hương là hữu cơ, nhưng cung vượt cầu và không phải tất cả các sản phẩm hữu cơ đều tìm được người mua sẵn sàng trả giá. Pierre-Philippe Garry cũng cho biết chúng được bán mà không được dán nhãn hữu cơ, dẫn đến việc giá thành của sản phẩm sẽ giảm. Lavandin chủ yếu dành cho sản phẩm tẩy rửa, được bán trên thị trường mà không cần nhãn hữu cơ. Và sau đó có một thực tế là “việc cắt lavender/lavendin đòi hỏi sử dụng máy chạy bằng động cơ diesel, điều này đôi khi có thể gây hại nhiều hơn cả việc dùng thuốc diệt cỏ. Chúng ta nên nhìn vào toàn bộ vòng đời của sản phẩm”, Pierre-Philippe Garry giải thích thêm.

Lavender field in Valensole | My Website - My Flickr - My Fa… | Flickr

Đối với các loại cây được trồng trên toàn cầu thì hình thức tổ chức này dường như không có hệ thống. Nhìn chung, độc canh không phải khuôn mẫu của việc canh tác, mà đó là một điểm tích cực đối với môi trường: “Về mặt này, các quốc gia được coi là 'đang phát triển' tôn trọng đa dạng sinh học hơn. Nếu xét về khía cạnh văn hóa thì việc các gia đình làm việc trên những mảnh đất nhỏ được xem như một phần của hình thức đa canh”, Elisa Aragon, người đồng sáng lập và CEO của công ty sản xuất Nelixia ở Guatemala, cho biết thêm. Nhưng khi đối mặt với những vấn đề này thì những sáng kiến riêng lẻ mới khả thi và có khả năng áp dụng vào thực tiễn.

Rút ngắn khoảng cách giữa nhà hương và nông dân để hướng tới sự minh bạch

Trong khi việc hạn chế độc canh mang lại những lợi ích sinh thái rõ ràng, thì khoảng cách và sự phức tạp của các tác nhân khác đã đặt ra thêm nhiều vấn đề. Trong nhiều thập kỷ, tính minh bạch là một trong những mặt hạn chế của ngành hương. Dominique Roques, chuyên viên mua hàng tại Firmenich nhấn mạnh: “Rất nhiều công việc đã được thực hiện để xác định các mối liên hệ khác nhau trong chuỗi sản xuất: các nhà hương giờ đây đã biết nhiều hơn về những người nông dân, người thu hoạch và chưng cất tinh dầu đằng sau những nguyên liệu họ mua.”

Ngày nay, các thương hiệu càng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn về môi trường và xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm phù hợp với các giá trị đạo đức. Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà hương cũng có đủ phương tiện để tự thực hiện các thay đổi: họ chuyển đến nhà sản xuất, một đơn vị trung gian có cái nhìn tổng thể về các tác nhân liên quan. Các nhà sản xuất này quản lý khoảng cách giữa các yêu cầu tiếp thị và thực tế tại cơ sở: “Các ngành công nghiệp châu Âu rõ ràng là xa rời thực tế địa phương. Trao đổi thông tin trực tiếp là cần thiết cho bất kỳ sự thay đổi nào, và do đó mức độ chính xác của chúng là cực kỳ quan trọng”, Elisa Aragon nhấn mạnh.

Vai trò của các bộ phận trung gian là rất cần thiết trong việc giúp những người trực tiếp sản xuất nguyên liệu thiết lập một hệ thống sản xuất chú trọng các vấn đề về đạo đức hơn. Theo như Elisa Aragon thì tính bền vững là đa chiều, do đó việc cân nhắc nhiều yếu tố liên quan là điều cần thiết. Việc đầu tiên là phải nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội của người sản xuất và các đặc thù nguyên liệu (cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu) để thực hiện phân tích các rủi ro, nhằm thiết lập một giải pháp phù hợp nhất. Do đó, việc chuyển đổi phương thức sản xuất bao gồm sự thay đổi tất cả các nhân tố và cũng đặt ra nhiều câu hỏi về giá trị sản phẩm mà các ngành công nghiệp cần xem xét.

Tái định nghĩa những giá trị bị lãng quên

Việc các nhà hương không cung cấp các đảm bảo mua hàng là do cách thức hoạt động của ngành. Bởi vì, khi một thương hiệu muốn ra mắt một loại nước hoa thì điều này sẽ đặt các nhà hương vào cuộc đua khốc liệt, và chỉ người chiến thắng mới có thể bán sản phẩm của mình. “Cuộc cạnh tranh đã dẫn tới việc các nhà hương lo lắng về khả năng thành công của dự án, điều này có liên quan đến việc mua nguyên liệu thô”, Dominique Roques chỉ ra. Đây cũng là lý do tại sao các nhà sản xuất giúp nông dân đa dạng hóa đầu ra và cây trồng nhằm linh hoạt ứng biến với những yêu cầu về thay đổi nguồn cung của nhà hương. 

Mathilde Voisin, giám đốc tiếp thị nguyên liệu của Mane nhấn mạnh rằng họ không thể gánh vác sức nặng của ngành trên vai: “Là một nhà sáng tạo hương, chúng tôi phải mua nguyên liệu hàng năm, ngay cả khi chúng tôi chưa cần”. Ví dụ, Mane đã đưa ra chính sách mua hàng có trách nhiệm vào năm 2009 nhằm khuyến khích các nhà cung cấp của mình áp dụng cách tiếp cận bền vững: “Chúng tôi yêu cầu họ điền vào bảng khảo sát và sau đó sẽ cung cấp sự hỗ trợ dựa trên câu trả lời có được, nhưng đó không phải là cách tiếp cận độc đoán. Đó là một nhiệm vụ to lớn và rất cần thiết, bởi vì chúng tôi không thể nào tuyên bố một sản phẩm có chất lượng tuyệt vời mà quên đi trách nhiệm của mình”. Điều này đồng nghĩa với việc không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu về những tinh chất mới trong sản phẩm của khách hàng: “Chúng tôi phải giải thích với họ rằng việc trồng trọt cần có cam kết từ phía nhà hương, đồng thời cần đảm bảo mối quan hệ hợp tác lâu dài với nông dân, và đây là một khía cạnh của sự bền vững mà đôi khi bị lãng quên”.

(Nguồn: Mane)

Để mang lại sự thay đổi thực sự, nhu cầu của các thương hiệu phải mang lại lợi ích tài chính hữu hình cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Nhưng những người mua hàng đôi khi lợi dụng truyền thống lâu đời để tránh việc phải trả cho nông dân những gì họ xứng đáng. Dominique Roques chỉ ra rằng: “Ngành công nghiệp hương liệu phải cống hiến cụ thể hơn nhiều cho khía cạnh xa xỉ của những nguyên liệu này, vì họ nhận ra sự quý hiếm và vẻ đẹp của chúng. Và nhiều trong số đó không phải là quá đắt tiền; các nhà hương không gặp khó khăn gì khi đối diện với sự tăng giá nguyên liệu”.

Để khuyến khích những thay đổi trong việc thực hiện và khen thưởng những cố gắng, nhiều giải pháp khác nhau đang được tìm kiếm. Nhãn Low Carbon do Bộ Sinh thái Pháp tạo ra có thể giảm thiểu sự thiếu đầu tư của người mua: các công ty có thể tài trợ cho các dự án Low Carbon như một hình thức bù đắp cho lượng khí thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất của họ. Ủy ban chuyên nghiệp về tinh dầu Pháp (CIHEF) đang hiện thực hóa điều này trong ngành công nghiệp hoa oải hương. Theo Charlotte Bringer-Guerin, thì nguyên tắc này có thể hỗ trợ tài chính cho các cơ sở đang nỗ lực áp dụng các hoạt động sản xuất có đạo đức hơn. Những cách tiếp cận này có những giới hạn và cần có sự đồng thuận của tất cả các bên hơn là các giải pháp khẩn cấp.

Vài năm trước, Dominique Roques đã tìm cách khắc phục sự mất cân bằng này bằng cách tổ chức một quy trình mang tên Naturals Together, nhằm thống nhất và thiết lập đối thoại, để mở ra một cuộc thảo luận giữa người sản xuất và người mua. Nhưng giờ đây, khái niệm về tính bền vững đã trở thành điểm bán hàng cho các nhà hương, cho nên họ muốn độc quyền chiếm đoạt nó. Tuy nhiên, hệ thống cạnh tranh mà họ áp dụng dường như không tương thích với cách tiếp cận hợp tác, chia sẻ mà sự thay đổi toàn cầu sẽ kéo theo, điều này đã phần nào khiến người nông dân chìm trong bóng tối.

Phần 2 của bài viết sẽ tiếp tục chủ đề :

- Các loại chứng nhận cho nguyên liệu tự nhiên có hiệu quả ? Chúng có giải quyết các thông điệp rời rạc của họ? 

- Các phương pháp chiết xuất cũng được nhắc đến nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của nó đến với môi trường.


Bài viết được team Olfactozoom lược dịch, bổ sung và chỉnh sửa thông tin từ Bynez: 

https://mag.bynez.com/en/reports/natural-raw-materials-plants-essences-and-people/

*Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Copyright - Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog Olfactozoom.


Đọc thêm:

Quan hệ khăng khít giữa thực vật, chiết xuất và con người (Phần 2)

Nguyên liệu thơm mới: Một chặng đường khó khăn dài từ phòng nghiên cứu đến chai nước hoa thành phẩm


Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn