Cấp chứng nhận: một giải pháp lý tưởng ?
Cấp chứng nhận có vẻ là một giải pháp lý tưởng để giải quyết các thông điệp rời rạc của các nhà hương, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thương hiệu. Việc này thường được thực hiện trên quy mô toàn cầu, với một bộ tiêu chí duy nhất, không thay đổi và do đó sẽ khách quan hơn. “Tuy nhiên, có rất nhiều loại chứng nhận, và không phải tất cả đều nhắm đến cùng một đối tượng:
Fair for Life là tiêu chuẩn chứng nhận cho thương mại công bằng và chuỗi cung ứng có trách nhiệm.
For Life là tiêu chuẩn chứng nhận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Fairwild là tiêu chuẩn áp dụng cho các hoạt động thu hoạch có trách nhiệm của doanh nghiệp.
Các chứng nhận này thường hướng tới các nhà sản xuất và người mua nguyên liệu thô. Chứng nhận Ecovadis và Sedex đã được phát triển cho việc sử dụng nội bộ của các công ty. Và những chứng nhận khác như CDP và Dow Jones được các nhà đầu tư ưa chuộng.” Valérie Lovisa, người sáng lập ABTYS, một cơ quan tư vấn trong lĩnh vực Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Corporate social responsibility (CSR) cho ngành công nghiệp hương liệu và mỹ phẩm, cho biết.
Đối với các chứng nhận Cosmos Natural và Cosmos Organic (hoặc Cosmos Certified và Cosmos Approved cho các nguyên liệu), thì lĩnh vực hương liệu vẫn chưa được hiện thực tốt. Theo Nicolas Bertrand, giám đốc Cosmébio và tổ chức chứng nhận Cosmécert, thì điều này có thể là do các thành phần tự nhiên rất phức tạp về mặt kỹ thuật trong ngành hương. Nhưng cũng một phần vì các hình ảnh tiếp thị thường không gợi lên những gì thuộc về tự nhiên hay hữu cơ.
Các điều kiện để được chứng nhận không chỉ dừng lại ở các thành phần nguyên liệu, mà còn bao gồm các cải tiến cho toàn bộ dây chuyền, ngay cả khâu đóng gói. Đồng thời, chứng nhận phải được gia hạn hàng năm, với một cuộc đánh giá tại chỗ hoặc một tuyên bố mô tả chi tiết các quy trình để có được các nguyên liệu thô mà Cosmos chấp thuận”. Các công ty được chứng nhận có thể tham gia Cosmebio, một tổ chức phụ trách nhãn hiệu cùng tên được thành lập vào năm 2002. Hiện nay đã có hơn 500 công ty thành viên cam kết tôn trọng tuyên ngôn nhằm thay đổi thái độ toàn cầu trong việc giảm mạnh mức tiêu thụ của chúng ta, do đó nếu không có mô hình hữu cơ thì những chứng nhận này sẽ không đầy đủ.
Mặt khác, không phải hình thức chứng nhận nào cũng dẫn đến kết quả, vì nó có thể loại bỏ những đơn vị không đủ khả năng chi trả để có được chứng nhận, và đôi lúc sự biến mất của họ sẽ không được chú ý. Elisa Aragon giải thích: “Việc này phát sinh nhiều hạn chế, vì đôi khi nhà sản xuất có thể bị xử phạt và do đó buộc người nông dân phải che giấu các vấn đề. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không thể hành động với chúng được nữa. Nhưng cũng không thể yêu cầu tất cả các hoạt động của nhà sản xuất phải đáp ứng trực tiếp với các yêu cầu của chúng tôi. Thay vào đó, phải hướng tới việc hỗ trợ họ trong việc áp dụng các phương pháp thực hành tốt hơn. Đây là những gì mà Liên minh Thương mại Đa dạng Sinh học có Đạo đức - Union for Ethical Biotrade (UEBT) thực hiện với chương trình thẩm định của mình.” UEBT là một hiệp hội phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2007 để thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn cung ứng tôn trọng đa dạng sinh học và các bên liên quan. Hiệp hội này đã đưa ra chứng nhận nguyên liệu vào năm 2015 và chứng nhận hệ thống tổng thể vào năm 2018. Nhưng nó cũng đã tạo ra hệ thống “thẩm định” linh hoạt hơn, nhằm mục đích hỗ trợ cải tiến hơn là xử phạt.
Chứng nhận công ty và thương hiệu có thể là một giải pháp, vì họ có đủ khả năng tài chính để chi trả. Chứng nhận B Corp ra đời vào năm 2006 tại Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn bao gồm tác động lên môi trường và xã hội, tính minh bạch công khai, và trách nhiệm pháp lý. Valérie Lovisa giải thích: “Một trong những mục tiêu của B Corp là tạo ra một cộng đồng có thể truyền cảm hứng cho nhau, và điều đó có thể được xác định bởi người tiêu dùng vì những tác động tích cực mà các doanh nghiệp mang lại . Chứng nhận này được thiết kế để khuyến khích sự hợp tác, giống như một vòng tròn đạo đức (virtuous circle). Nó xác định lại khái niệm thành công trong thế giới doanh nghiệp, biến tác động tích cực đến môi trường và xã hội trở thành giá trị cốt lõi - và do đó thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu mạnh mẽ”. Để đủ tiêu chuẩn, các thương hiệu được mời điền vào bảng câu hỏi trực tuyến ban đầu, được gọi là Đánh giá tác động kinh doanh – Business Impact Assessment (BIA). “Quyền truy cập miễn phí vào bảng câu hỏi cho phép mỗi công ty tự đánh giá, xác định điểm mạnh và những việc cần cải thiện sau này”, Valérie Lovisa cho biết thêm. Sau khi BIA được đệ trình, B Lab sẽ yêu cầu chứng minh 10% thông tin đã cung cấp. Và mỗi công ty phải đạt tối thiểu 80/200 điểm để đạt được chứng nhận B Corp. Bằng cách luân chuyển chi phí chứng nhận đến những nguồn lực mạnh mẽ hơn, những sáng kiến như vậy đã chỉ ra những động lực ngày càng có đạo đức trong tương lai.
Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi về giá trị của một thành phần được chứng nhận có trong nước hoa mà không có tỷ lệ nào được đề cập, và tất cả các thành phần khác là một bí ẩn. Việc này trông giống như “quảng cáo xanh/ tẩy xanh (greenwashing), là tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm là thân thiện với môi trường”. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hương liệu đã trải qua một chặng đường dài: “Truyền thông dựa trên sự gợi mở đã tồn tại trong nhiều năm. Nhưng bây giờ các thương hiệu đang yêu cầu chứng nhận tất cả các nguyên liệu tự nhiên: chúng tôi đã bước vào giai đoạn áp dụng cách tiếp cận cấp tiến hơn nhiều”, Dominique Roques cho biết. Dù vậy, các nhãn chứng nhận hiện tại không phải lúc nào cũng tính đến điểm thiết yếu tác động đến môi trường của nguyên liệu thô, mà còn là sự biến đổi của nó.
Quá trình chiết xuất nguyên liệu tự nhiên đã thực sự tốt với môi trường?
Tuổi thọ của một nguyên liệu thô không kết thúc khi nó được thu hoạch: “Quy trình chiết xuất, hiệu suất thấp và lượng chất thải tạo ra là những tiêu chí chính sẽ làm giảm xếp hạng Green Motion của nguyên liệu thô”, Mathilde Voisin cho biết. Lượng khí thải carbon trong quá trình vận chuyển thực vật là nhỏ, vì quá trình chiết xuất thường phải được thực hiện tại chỗ. Nếu không thực vật sẽ nhanh chóng mất đi các thành phần tạo nên mùi hương sau khi thu hoạch - ngoại trừ một số nguyên liệu thô nhất định, chẳng hạn như nhựa. Do đó, chủ yếu là các concrete (sản phẩm chiết xuất hương thơm từ thực vật khi chiết bằng dung môi) hoặc tinh dầu là được vận chuyển, vì những bán thành phẩm này có trọng lượng nhẹ hơn nhiều so với thực vật tươi.
Trong số bốn quy trình chiết xuất được sử dụng rộng rãi nhất, thì ép lạnh là phương pháp chủ yếu được sử dụng cho các loại trái cây có múi (citrus). Sau khi ép, tinh dầu được tách ra khỏi nước bằng phương pháp ly tâm. Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng hóa chất, tiết kiệm năng lượng và đầu vào là phụ phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm.
Phương pháp gây ô nhiễm nhất là chiết xuất bằng dung môi dễ bay hơi, đó là lý do tại sao các tinh chất absolute được tạo ra từ quá trình này không được phép chứng nhận Cosmos Organic. Phương pháp này thường được dùng để chiết xuất một số loài hoa có mùi hương không bền trong quá trình gia nhiệt. Dung môi hexan – một dẫn xuất của dầu mỏ có thể tiếp tục gây ô nhiễm ngay cả khi nó được tái sử dụng nhiều lần trong quá trình chiết xuất. Do đó, việc tìm kiếm các phương pháp thay thế khác để hạn chế ô nhiễm là điều cần thiết.
Một giải pháp thân thiện hơn có thể hạn chế được các tác động tiêu cực đến môi trường là chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn. Trong phương pháp này, CO2 được nén đến trạng thái lỏng, ở điều kiện này nó hoạt động như một dung môi để trích ly hết các chất hòa tan. Sau đó, các tinh chất được tách ra bằng cách thay đổi áp suất để CO2 trở lại thể khí và bay hơi. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các trang thiết bị đắt tiền mà không phải nhà sản xuất nào cũng có đủ điều kiện lắp đặt.
Nhà hương Mane đã nghiên cứu khắc phục vấn đề này bằng cách kết hợp enfleurage (chiết xuất bằng chất béo rắn, không mùi) với chiết xuất bằng chất lỏng siêu tới hạn, và đây là phương pháp tạo nên E-Pure Jungle Essence. Các công ty khác cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp chiết xuất không sử dụng dung môi, chẳng hạn như Firmenich với công nghệ Firgood. Bằng cách cho thực vật tiếp xúc với sóng điện từ ở các tần số khác nhau, qua đó nước chứa trong cây sẽ được làm nóng, điều này cho phép chiết xuất được các hợp chất có mùi thơm. Firmenich bắt đầu phát triển kỹ thuật này vào năm 2015, và 3 chất chiết xuất đầu tiên thu được vào năm 2021, và kỹ thuật này sẽ là một giải pháp đầy hứa hẹn trong tương lai.
Chưng cất trực tiếp (hydrodistillation) và chưng cất lôi cuốn hơi nước (steam distillation) là những phương pháp được sử dụng để chiết xuất tinh dầu. Tuy nhiên, đây là phương pháp tốn nhiều thời gian, năng lượng và sử dụng rất nhiều nước. Vì vậy, mặc dù chiết xuất bằng dung môi mang lại hình ảnh không tốt, nhưng trên thực tế chúng ta cần đánh giá lại các thông điệp tiếp thị này. Pierre-Philippe Garry cảnh báo rằng dù quá trình chưng cất có thể mang lại một hình ảnh “xanh” hơn, tuy nhiên tác động đến môi trường cũng lớn hơn, vì nó là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu về dung môi sinh học và cải tiến quy trình công nghệ là một ý tưởng tuyệt vời. Đó cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết của ngành công nghiệp hoa oải hương. Công ty con của IFF là LMR đã phát triển quy trình cải tiến bằng cách sửa đổi cơ chế chưng cất cho việc chiết xuất Hoắc hương Patchouli, một trong những sản phẩm chủ lực của công ty.
Hiệu suất của quá trình chiết xuất phụ thuộc vào cây trồng, nồng độ của các phân tử có mùi và khả năng chiết xuất của chúng. Ví dụ, hiệu suất chiết xuất hoa Nhài bằng dung môi dễ bay hơi là 0,125% (tức là cần tới 800kg hoa để thu được khoảng 1 kg concrete), trong khi đó đối với hoa Huệ (tuberose) là 0,06%. Sau đó, concrete phải được xử lý bằng ethanol để thu được tinh chất absolute, và ở đây hiệu suất thay đổi từ 26% (đối với hoa huệ) đến 60% (đối với hoa nhài). Còn đối với phương pháp chưng cất, hiệu suất thu tinh dầu của cỏ Vetiver là 0,5 – 1,0%, gỗ Đàn hương là 35%. Và đối với cùng một loại cây, hiệu suất thu các hợp chất có mùi sẽ tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng. Ví dụ, khi chiết xuất hoa hồng Damask bằng dung môi sẽ cho hiệu suất cao gấp 6 lần so với phương pháp chưng cất. (Olfactozoom : thế nên Rose essential oil sẽ đắt hơn Rose absolute).
Đây là tất cả các biến số cần xem xét khi đánh giá tác động đến môi trường của một quy trình, mà cũng là yếu tố quyết định đối với tương lai của ngành hương. Bởi vì khi thu được một sản phẩm liên quan đến việc sử dụng các quy trình gây ô nhiễm, thì việc từ chối phương pháp tổng hợp để có lợi cho tự nhiên sẽ không có ý nghĩa. Do đó, việc ưu tiên một nguyên liệu thô tự nhiên trong sản phẩm, trong khi bỏ qua phương thức chiết xuất rõ ràng không mang lại nhiều ý nghĩa thực sự.
Mathilde Voisin cho biết các phụ phẩm của quá trình chiết xuất (được khử trùng nếu cần) có thể được sử dụng làm sinh khối, phân bón nông nghiệp, hoặc thậm chính là phụ gia thực phẩm như trường hợp của vanilla. So với các ngành công nghiệp khác thì đây không phải là một vấn đề quá lớn, nhưng việc nghiên cứu để xác định các phương pháp xử lý tối ưu là điều cần thiết. “Ví dụ, các phụ phẩm thực vật từ hoa oải hương và lavandin sẽ được sử dụng làm lớp phủ trên bề mặt đất trồng để hạn chế việc mất nước và thúc đẩy đa dạng sinh học”, Charlotte Bringer-Guerin cho biết.
Các nhà hương đang ngày càng phát triển các sản phẩm cao cấp, như bộ sưu tập Garden Lab của Symrise đã làm phong phú thêm bảng thành phần của các nhà sáng tạo mùi hương: các phân tử có mùi được thu hồi từ nước nấu các loại rau làm thức ăn cho trẻ em (măng tây, atisô, hành tây, súp lơ và tỏi tây) thông qua quá trình hydroalcoholic (còn được gọi là Symtrap – một cải tiến của Symrise để thu được các chất có mùi trong nước). Tuy nhiên, chúng hiếm khi được sử dụng vì tác động của quá trình biến đổi không phải lúc nào cũng tích cực. Mathilde Voisin cho biết chúng ta có thể thu hồi một số dạng phụ phẩm nhất định, nhưng cần phải lưu ý rằng nếu trải qua một quá trình biến đổi thì đôi khi tạo ra nhiều bất lợi hơn là việc chấp nhận chất thải trực tiếp từ quá trình chiết xuất thực vật.
(Nguồn: ByNez)
Trong những nỗ lực khai thác, sử dụng nguyên liệu thô tự nhiên, thì những tác động đến môi trường và xã hội đôi khi lớn hơn nhiều so với những nguyên liệu tổng hợp. Việc phát triển các công cụ đo lường vấn đề này của các công ty sẽ được thảo luận trong những bài viết sau của tác giả. Tuy nhiên, sự phức tạp của vấn còn nằm ở việc phải nâng cao nhận thức trên quy mô rộng hơn. Và điều đó chỉ có thể đạt được thông qua sự thay đổi trong thực tiễn giao tiếp của ngành; đồng thời việc này cũng liên quan đến triển vọng mua hàng kỹ càng hơn của người tiêu dùng.
Bài viết được team Olfactozoom lược dịch, bổ sung và chỉnh sửa thông tin từ Bynez:
https://mag.bynez.com/en/reports/natural-raw-materials-plants-essences-and-people/
*Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Copyright - Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog Olfactozoom.
Đọc thêm:
Vị trí của Vanilla Madagascar trong ngành hương (Flavors & Fragrances industry)