Rêu sồi và Rêu cây trong ngành hương - Part 1
Oakmoss phù hợp với hầu hết mọi ngữ cảnh: nó có thể được bắt gặp trong colognes, các hợp hương Oriental, hoa, gỗ, hay những sáng chế mang tính trừu tượng, v.v.
Oakmoss, với những nốt hương đậm đà và dễ chịu, mang đến một sự 'tự nhiên' nhất định cho làn hương giữa của bất kỳ loại nước hoa nào. Nó cũng có độ bền cao, cho phép nó được xem như một loại chất “cố định” hương.
Tình hình đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2009 với sự ra đời của bản sửa đổi thứ 43 của IFRA. Công bằng mà nói, đặc tính gây dị ứng của Oakmoss đã được nhận thức từ khá lâu. Thậm chí vào những năm 1940, đã có những bài báo về các trường hợp viêm da khi những người thợ mộc tiếp xúc trực tiếp với địa y. Trong những năm 1980, sự dị ứng của chiết xuất Oakmoss đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Vào thời điểm đó, cứ 5 trường hợp dị ứng với các sản phẩm nước hoa lại có liên quan đến rêu. Một số depside và các dẫn xuất của chúng được phát hiện là nguyên nhân chính gây ra rắc rối này.
Bản sửa đổi thứ 43 của IFRA giới hạn việc sử dụng chiết xuất Oakmoss ở hàm lượng 0,1% trong sản phẩm cuối (khoảng 1% trong nguyên liệu đậm đặc), với điều kiện nguyên liệu được sử dụng không chứa quá 100 ppm (0,01%) atranol và chloroatranol (một dẫn xuất tương ứng của atranorine và chloratranorine).
Atranol và chloratranol có thể được loại bỏ bằng nhiều phương pháp khác nhau như: sắc ký điều chế, trích ly bằng dung môi, phân tách pha đảo, phân tách màng, hydro hóa xúc tác hay các phương pháp hóa học khác.
Ví dụ, một trong những phương pháp đó dựa trên thực tế rằng một phần chất gây dị ứng, về mặt hóa học là một nhóm aldehydes. Hỗn hợp này được xử lý với leucine hoặc một amino acid khác, dẫn đến việc tạo ra các base Schiff không tan, sau đó được loại bỏ bằng quá trình lọc.
(Nguồn: Fragrantica)
Vấn đề lớn nhất ở đây là cả atranol và chloroatranol đều có mùi riêng biệt và sự hiện diện của chúng trong hỗn hợp làm ảnh hưởng đến mùi hương của nguyên liệu. Sau khi loại bỏ atranol/chloatranol, rêu “an toàn” sẽ có một mùi hương khác.
Các nhà điều chế nước hoa đang rất sáng tạo trong nỗ lực tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Thierry Wasser từng chia sẻ rằng trong quá trình cải tiến Guerlain Mitsouko, ông đã phải sửa chữa 'lỗ hổng mùi hương' trong chiết xuất Oakmoss của Robertet bằng sự hỗ trợ của tinh chất mastic absolute và một dung môi đặc biệt giúp không làm thay đổi mùi hương, đồng thời làm chậm quá trình bay hơi.
(Nguồn: Fragrantica)
Trong số các chất tạo nên mùi hương đặc trưng của Oakmoss, cũng phải kể đến một số hợp chất thơm đơn vòng, phenols và ethers, dẫn xuất hoặc orcinol.
(Nguồn: Fragrantica)
Trong bài viết đầu tiên đề cập đến methyl β-orcinol carboxylate, xuất bản năm 1924, nó được mô tả là không mùi (và tác giả bài viết này là Matvey Yudov cũng phải đồng ý với các nhà khoa học Đức rằng thực tế bản thân ông cũng không thể ngửi được mùi nó), nhưng sau đó các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chính hợp chất này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra mùi hương của rêu.
Vào những năm 1960, đã xuất hiện nhiều bài báo đề cập đến các phương pháp tổng hợp hợp chất trên. Hiện tại, chất này được bán dưới các nhãn hiệu như Veramoss, Evernyl, Everniate, LRG201, Atralone, Musgolide, Synthetic Oakmoss và những nhãn hiệu khác.
Vào những năm cuối thập niên 60, sự xuất hiện của evernyl đã “thúc đẩy” việc tạo ra các hợp hương chypre mới, và vào những năm 1970, phần lớn các hợp hương chypre được xây dựng trên cơ sở evernyl. Nếu một mùi hương có chứa bất kỳ Oakmoss tự nhiên nào, thì cũng chỉ được sử dụng ở hàm lượng thấp. Và có lẽ người dùng đều quen thuộc với những loại nước hoa này, một số trong số chúng được hiển thị trong bức ảnh dưới đây.
(Nguồn: Fragrantica)
Một dẫn xuất khác của orcinol là monomethyl ether, một chất có mùi hương gỗ, rêu, phenolic và được sản xuất dưới các nhãn hiệu Orcinyl, Orcinyl-3 và Oakmoss Phenol.
Ionones và irones cũng đáng được đề cập ở đây (α-ionone, β-ionone, cis-γ-irone, trans-α-irone, cis-α-irone); chúng được tìm thấy trong thành phần của tinh chất Oakmoss absolute. Ionones có khía cạnh gỗ, violet, phấn phổ biến, nó góp phần tạo ra nhiều mùi hương hoa quả. Trong một thời gian dài, irones bị lầm tưởng chỉ hiện diện trong hoa diên vĩ.
Kể từ thời điểm các hạn chế kể trên được áp dụng đối với việc sử dụng các nguyên liệu chiết xuất từ Oakmoss cho ngành công nghiệp nước hoa, sản lượng của chúng đã bị giảm đáng kể. Điển hình là sản lượng sản xuất ở Pháp đã giảm đáng kể, ít hơn khoảng ba lần so với 30 năm trước.
Tuy nhiên, một số loại nước hoa hiện đại vẫn “nỗ lực vượt bậc” để sử dụng Oakmoss với hàm lượng nguyên liệu đạt gần với mức tối đa cho phép: Ralph Lauren Polo Crest và Serge Lutens Gris Glair chứa khoảng 1% tinh chất Oakmoss absolute, trong khi 2% tinh chất Oakmoss được tìm thấy trong Lacoste Essential, và Terre d'Hermes có khoảng 0,5%.
Bài viết được team Olfactozoom lược dịch, bổ sung và chỉnh sửa thông tin từ bài viết của Fragrantica: https://www.fragrantica.com/news/Oakmoss-and-Tree-Moss-in-Fragrance-11516.html
*Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Copyright - Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog Olfactozoom.
Đọc thêm: