Triết học có liên quan gì đến mùi hương và nước hoa? Và liệu rằng, mùi hương và nước hoa có liên quan gì đến nghệ thuật? Bài thảo luận dưới đây của tác giả Larry Shiner sẽ cho chúng ta một vài góc nhìn có liên quan về Nước hoa, nghệ thuật khứu giác và triết học.

Giác quan ít “trọng lượng” nhất

Nhiều triết gia đã xem khứu giác là giác quan thấp kém và mang tính động vật nhất ở con người, còn nước hoa với họ chỉ là thứ hàng hóa xa xỉ tầm thường. Tệ hơn nữa, trong xã hội hiện đại, mũi và khứu giác thường được ví von trong những trò đùa, từ truyện ngắn nổi tiếng của Gogol đến những cậu học sinh cười khúc khích lên vì đánh rắm. Và khi mọi người được hỏi họ có thể từ bỏ giác quan nào nếu bắt buộc phải lựa chọn, thì khứu giác thường sẽ là thứ được hy sinh đầu tiên.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi danh mục các tác phẩm mỹ thuật phong phú nhất cũng hiếm khi có sự xuất hiện của mùi hương. Tính đến những năm 1980, có rất ít nghệ nhân sử dụng khứu giác hoặc nước hoa như một phần trong những sáng tạo của họ; và thậm chí số lượng người tập trung sự nghiệp của họ vào nghệ thuật khứu giác còn ít hơn. 

Mùi hương có nên trở thành một loại hình nghệ thuật ? 

Trong ba thập kỷ qua, cách nhìn nhận cũng có những thay đổi rõ rệt. Ngày càng nhiều nghệ sĩ bắt đầu sử dụng mùi hương trong các tác phẩm của họ, một số ít như Clara Ursitti hay Peter de Cupere đã dành phần lớn nỗ lực của họ cho nghệ thuật khứu giác. Số lượng các nhà điều chế và những người đam mê nước hoa như Jean-Claude Ellena hay Chandler Burr đã trở nên quyết đoán hơn khi tuyên bố rằng nước hoa nên được xem xét là một loại hình nghệ thuật. Trong khi đó, một số nghệ sĩ đương đại đã sáng tạo hoặc ủy quyền nước hoa hoặc các tác phẩm có liên quan đến mùi hương như một phần của nghệ thuật ý niệm, trình diễn hoặc những mảnh ghép của các tác phẩm sắp đặt. Cuối cùng, những bảo tàng nghệ thuật trong suốt hai thập kỷ qua đã trưng bày các tác phẩm nghệ thuật khứu giác, và có ít nhất một cuộc triển lãm đáng chú ý xem nước hoa như một tác phẩm mỹ thuật, Nghệ thuật mùi hương: 1889 to 2012 tại bảo tàng Thiết kế và Nghệ Thuật New York.

Những tiến bộ kể trên đã phản ánh nhiều điều đáng suy ngẫm về mặt triết học, và tôi sẽ vắn tắt quan điểm của mình về một trong những vấn đề này. 

 

Như thế nào nên được gọi là “Nghệ thuật khứu giác”?  

Trước tiên, tôi tin rằng truyền thống trải dài từ Kant đến Scruton đã từ chối mùi hương và nước hoa như nền tảng của nghệ thuật nghiêm túc. Người ta cho rằng mùi hương dễ bay lên và mất đi, thiếu cấu trúc và không thể bày tỏ ý nghĩa, điều này về cơ bản là sai lầm. 

Thứ hai, liệu tên gọi “nghệ thuật khứu giác” có hợp lý và đầy đủ để dùng phân loại nhóm nghệ thuật liên quan đến mùi hương này không ?! Hay đây chỉ là một thuật ngữ thuận tiện cho việc phân nhóm các tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến mùi hương ở một mức độ nào đó. 

Tôi tin rằng những dẫn chứng sau đây là một trong những trường hợp. Tại một bên của những sáng tạo có tác phẩm như Flesh Dress for A Albino Anorexic của Jana Sterbak, đã tình cờ phát hiện ra mùi thịt thối sau một vài ngày, nhưng mùi này phụ trợ cho điểm chính của tác phẩm. Trong khi phía còn lại có tác phẩm như Clara Ursitti’s Self-portrait in Scent #1, trong đó mùi hương là phương tiện biểu đạt chính.

Hơn nữa, mặc dù thuật ngữ “nghệ thuật khứu giác” thường sử dụng cho các tác phẩm được trưng bày trong các bảo tàng dành cho nghệ thuật thị giác, nhưng mùi hương cũng đã được sử dụng trong điện ảnh, phim truyền hình và âm nhạc. Một ví dụ đáng chú ý về “nghệ thuật khứu giác” theo nghĩa rộng hơn là Green Aria (2009), một vở nhạc kịch về mùi hương, vở diễn đã thuật lại một câu chuyện về môi trường thông qua sự kết hợp của âm nhạc điện tử, hình ảnh trực quan và một loạt các mùi hương được sáng tạo bởi các nhà điều chế nước hoa.

 

 

Nước hoa niche tiệm cận với Nghệ thuật đương đại - Contemporary art hơn ?

Cuối cùng, có một câu hỏi được đặt ra là liệu nước hoa theo cách hiểu thông thường có được phân loại và đánh giá như các tác phẩm nghệ thuật đương đại; hay chúng nên được hiểu và xem xét như các tác phẩm thiết kế - design art. Theo định nghĩa của các nhà thẩm mỹ về nghệ thuật, dường như không có lý do nào để phủ nhận rằng nước hoa là tác phẩm nghệ thuật, nhưng với một định nghĩa theo ngữ cảnh, ngay cả với những loại nước hoa tốt nhất cũng không phải là mỹ thuật.

Điều này giống như một thiết kế thời trang, chúng được dùng để mặc và thường được lưu hành qua các tổ chức khác nhau hơn hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Rõ ràng, việc trình bày một số loại nước hoa trong một phòng trưng bày hoặc viện bảo tàng không tự động biến chúng thành một tác phẩm nghệ thuật, để khẳng định có lẽ cần một số lý lẽ xác đáng hơn. Nhiều nhà điều chế nước hoa đã coi nước hoa như một loại hình nghệ thuật. Họ đã lập luận rằng nước hoa là một tác phẩm nghệ thuật vì cũng giống như hội họa hay âm nhạc, chúng biểu hiện sự hài hòa và vẻ đẹp, nhưng hai yếu tố này hầu như không phải là tiêu chí trung tâm của nghệ thuật đương đại.

(*Olfactozoom chú thích - đoạn này tác giả so sánh giữa dòng nước hoa niche và dòng nước hoa phổ thông, thông dụng.)

Tuy nhiên, ngày nay một số người đam mê nước hoa, viết blog thảo luận về những mùi nước hoa niche perfume, vì mùi hương của chúng độc đáo, hơn là chú trọng về vẻ đẹp của sự hài hòa, hoặc khả năng mặc lên người của những mùi hương đó. Do đó, mặc dù các dòng nước hoa phổ thông vẫn được coi là một tác phẩm nghệ thuật thiết kế - design art. Chúng ta thấy các mùi hương niche sẽ có xu hướng tiệm cận với các mùi hương được sáng tạo bởi những nghệ sĩ đương đại (*không ý chỉ perfumer) trong những tác phẩm nghệ thuật của họ - the perfume-like scents created or commissioned by contemporary artists. 


*Chú thích bởi Olfactozoom để làm rõ ý tác giả.

Bài viết được team Olfactozoom lược dịch, bổ sung và chỉnh sửa thông tin từ nguồn OUPblog: https://blog.oup.com/2015/11/perfumes-olfactory-art-philosophy/ 

Larry Shiner là Giáo sư danh dự về Triết học, Lịch sử, Nghệ thuật thị giác tại Đại học Illinois, Springfield. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm Triết học nghệ thuật, Khai sáng, Triết học Hy Lạp và Triết học lịch sử. Ông là tác giả của bài báo “Art Scents: Perfume, Design and Olfactory Art”, tạm dịch Mùi hương nghệ thuật, Nước hoa, Nghệ thuật Thiết kế và Thị giác, được đăng trên British Journal of Aesthetics.

*Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Copyright - Bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog Olfactozoom.


Đọc thêm:

Nguyên liệu thơm mới: Một chặng đường khó khăn dài từ phòng nghiên cứu đến chai nước hoa thành phẩm

Nước hoa được làm bằng gì?


Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn